Phụ Nữ Nên Đọc: Lấy Chồng Thiếu Tự Lập, Bạn Trở Thành ‘Phiên Bản Lỗi’ Của Mẹ Chồng

Tôi lớn lên ở một vùng quê, nơi mà hình ảnh người đàn bà cặm cụi đã trở thành điều hiển nhiên. Ra chợ là phụ nữ. Xuống ruộng là phụ nữ. Vào bếp cũng là phụ nữ. Từ sáng tinh mơ đến tối mịt, tiếng bước chân, tiếng dao thớt, tiếng gánh gồng đều là âm thanh của nữ giới.
Chỉ đến khi mâm rượu được dọn ra, tiếng nói tiếng cười vang lên, tôi thấy đàn ông ngồi chiếu trên, ăn uống no say rồi… vẫn là những người phụ nữ đi dọn dẹp!

Không ai dạy tôi điều gì cả. Nhưng là một đứa trẻ, tôi sớm hiểu rằng: phụ nữ là người phục vụ, và đàn ông là người được phục vụ.

Nhiều người đàn ông lớn lên trong bối cảnh đó đã hấp thụ mô hình giới tính như một chân lý. Nếu không tỉnh, họ sẽ lặp lại nguyên vẹn trong hôn nhân, trong tình yêu, và trong cách họ nhìn người phụ nữ bên cạnh. Trong lòng họ vẫn lưu giữ hình ảnh một người mẹ đã lo hết, làm hết, nhịn hết và cam chịu như khuôn vàng thước ngọc của một người vợ tốt.

Tình yêu trong thế giới ấy không phải là sự đồng hành, mà là sự phục vụ có điều kiện. Một người vợ lý tưởng là người giống mẹ mình: biết nhịn, biết cam, biết gánh mà không được phép than. Một người chồng lý tưởng là người ngồi vào vị trí mà cha anh, ông anh từng ngồi.

Thật ra, chăm sóc hay nấu ăn là một điều mà nam và nữ đều cần biết vì đó là năng lực sống. Nhưng người ta chỉ dạy cho phụ nữ.

Nữ làm cũng được, nhưng chỉ khi đó là sự lựa chọn của tình yêu, chứ không phải một vai diễn mặc định. Một người phụ nữ đứng bếp vì yêu thương thì ánh lửa sẽ ấm. Nhưng nếu cô ấy đứng đó mỗi ngày, không ai cảm ơn, không ai hỏi han như thể đó là điều mặc định, thì ngọn lửa ấy sẽ dần đốt cháy chính tình yêu đó!

Không ai sinh ra để làm người giúp việc đời đời cho một tình yêu một chiều. Nhiều người phụ nữ bước vào hôn nhân mà không nhận ra: họ không chỉ cưới một người đàn ông, mà cưới luôn cách người đó nhìn phụ nữ.

Nếu người đàn ông chưa từng hỏi mình rằng:
“Mẹ mình có hạnh phúc không?”,
“Bà có im lặng vì an yên hay vì bất lực?”,
“Nếu vợ mình sau này sống như mẹ, mình có thấy ổn không?”…

Thì rất có thể, chính bạn sẽ tiếp tục vai diễn đó. Không cần ai ép. Bạn sẽ tự mặc vào vai ấy, như một cơ chế sinh tồn.

Tôi từng quen một chị bạn. Lấy một người chồng hiền lành, tử tế, không chê vào đâu được. Nhưng anh ấy lớn lên trong một gia đình mà mẹ làm tất cả: cơm nước, giỗ chạp, việc họ hàng mẹ gánh trọn. Và anh quen với việc… được chăm.

Và rồi, khi lấy nhau về, anh và gia đình dồn chị vào vai diễn ấy như mặc định!

Cho đến một ngày, chị bước vào nhà tắm, nhìn vào gương và sững lại. Không phải vì thấy nếp nhăn. Không phải vì thấy mình xấu đi. Mà vì trong ánh mắt chị… là một ánh nhìn rất quen. Chính là ánh mắt mẹ chồng chị năm xưa: buồn, cam chịu, cô đơn…

Ngày còn là người yêu, chị từng nhìn mẹ anh mà thầm nghĩ: “Tội nghiệp, cả đời không ai hiểu.”

Không ngờ, vài năm sau, chị đang sống đúng ánh nhìn ấy – chỉ khác là không còn ai đứng bên để thấy chị tội nghiệp nữa.

Chị không ly hôn. Nhưng chị bắt đầu dừng lại. Không phải để chạy trốn khỏi hôn nhân, mà để quay về và tự hỏi:
“Tôi muốn yêu như thế này đến hết đời sao?”
Và đó là lúc chị bắt đầu tỉnh.

Tôi cũng từng chứng kiến một người mẹ khác cả đời sống vì chồng, vì con – nhất là đứa con trai, bà cưng như báu vật. Lo từ chuyện ăn mặc đến chuyện dọn giường, chẳng cho nó đụng tay việc gì.

Nhưng kỳ lạ thay, chính người mẹ ấy lại rất khắt khe với con gái. Bà không cho con gái mình sống khác đi. Bà bắt con gái phải giống mình: biết nhịn, biết chịu, biết sống âm thầm mà không đòi hỏi.
Bà dạy: “Làm vợ thì phải biết hy sinh. Chồng có sai cũng nên im. Đàn ông ai chẳng vậy.”

Và con gái bà, rốt cuộc cũng sống y như bà: lấy chồng, gồng gánh, nhịn nhục… đến mức tưởng như đó là điều đúng đắn duy nhất.

Cho đến khi bà ngã bệnh. Chồng bà – người được bà chăm lo cả đời – tỏ ra khó chịu vì bà yếu đuối. Không săn sóc, không dịu dàng.

Cậu con trai – người được chiều chuộng đến tận răng – chỉ ghé thăm cho có lệ, rồi lại đi chơi.

Cả đời bà sống cho người khác. Nhưng khi cần nhất, không một ai ở đó thật lòng – ngoài đứa con gái!

Đứa con gái rơi nước mắt vì chị nhận ra: mình đang sống để chờ chính kết cục ấy.

Tôi cũng từng nghe một câu chuyện khác.

Một cô gái trẻ, mới cưới chưa đầy năm, về làm dâu một gia đình mà mẹ chồng từng là người đàn bà “đảm đang có tiếng” ở quê – kiểu người đi gặt đến tận ngày đẻ, rồi đẻ xong vài hôm lại ra đồng.

Cô dâu ấy đang mang bầu, gần đến ngày sinh, nhưng vẫn phải lo cơm nước tận đẻ! Một buổi trưa nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại, cô mệt quá mới bảo chồng:
“Anh nấu cơm, em nghỉ chút, tự nhiên em mệt quá!”

Chồng cô im lặng. Mẹ chồng lườm. Không ai nói gì, nhưng cái không khí ấy đủ khiến cô thấy mình vừa làm điều gì “sai trái”.

Sai… vì dám yêu cầu một người đàn ông làm “việc của phụ nữ”.

Chồng cô – người từng nắm tay cô rất chặt khi cầu hôn – hôm đó rửa chén với vẻ mặt lạnh lùng. Anh không nổi giận, không từ chối. Nhưng trong lòng anh… có một cái gì đó không vừa.

Bởi trong tâm thức anh, đàn bà là người phải làm những việc đó. Như mẹ anh ngày xưa.

Mẹ anh đi gặt đến tận ngày đẻ.

Nên vợ anh nếu mang bầu mà đòi nghỉ ngơi, chẳng khác nào… yếu đuối và lười biếng!

Cô gái ấy không biết nên khóc hay cười. Bởi người đàn ông từng nói yêu thương cô, giờ đang giận cô… chỉ vì cô mong được nghỉ ngơi trong chính căn bếp mà mình đã nấu cơm suốt mấy tháng qua.

Lấy một người chưa tỉnh, bạn sẽ trở thành bản sao thu nhỏ của mẹ anh ta. Một phiên bản không có công sinh thành nên càng dễ bị xem nhẹ. Một người gánh như mẹ, nhưng không có danh nghĩa để người ta mang ơn.

Bạn sẽ nấu ăn, sẽ dịu dàng, sẽ biết điều. Nhưng trong bản hợp đồng ấy, lạ thay, lại chẳng có chỗ cho hai chữ “cảm ơn”.

Nếu bạn đã lỡ yêu một người như vậy, đừng vội tuyệt vọng. Chỉ cần một người tỉnh là đủ. Và người đó… cần là bạn. Vì nếu bạn không tỉnh, thì dù rời khỏi người này, bạn cũng sẽ lặp lại kịch bản cũ với một người khác – chỉ khác tên, không khác vai diễn.

Nhiều người phụ nữ nghĩ mình “có số khổ”. Thật ra, không phải số, mà là nghiệp. Mà nghiệp lớn nhất là vùng mù trong tâm thức – nơi bạn chưa tin rằng mình xứng đáng được yêu mà không phải đánh đổi.

Một người phụ nữ tỉnh không cần cố trở thành “người vợ tốt” theo chuẩn mực ngoài kia. Cô chỉ cần sống đúng với sự thật bên trong. Cô đủ lặng để phân biệt: đâu là người yêu mình, và đâu là người đang tìm một cái bóng để thế vai mẹ.

Cô có thể yêu sâu, trao đi nhiều. Nhưng không còn hy sinh bản thân như một điều hiển nhiên. Vì cô biết: mình không sinh ra để tiếp nối chuỗi dài những người đàn bà đã từng gánh trong bất hạnh.

Bạn không chỉ cưới một người đàn ông. Bạn cưới luôn cái cách anh ta nhìn mẹ anh ta. Và nếu ánh nhìn đó chưa từng tỉnh, thì dù bạn có đẹp, có giỏi, có tốt đến đâu… bạn cũng không thật sự được nhìn thấy.

Và nỗi buồn lớn nhất trong tình yêu không phải là không được yêu…
Mà là bị yêu trong một vai diễn không phải của mình.

Trước khi bạn hỏi: “Anh có yêu em không?”, hãy đến ngồi một lúc trong căn nhà nơi anh lớn lên.
Hãy quan sát ánh mắt mẹ anh trong bữa cơm chiều.
Hãy nhìn xem… bà có đang hạnh phúc không?

Và nhất là: hãy nhìn ánh mắt anh khi nhìn mẹ – đó là ánh nhìn biết ơn hay chỉ là sự quen thuộc không còn cần đến cảm ơn?

Vì nếu mẹ anh đang sống như một cái bóng…
Và anh không thấy gì sai ở điều đó, thì rất có thể… cái bóng kế tiếp chính là bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *